Ước mơ "đẹp"


Ước mơ rất đa dạng, mỗi người một khác, nhưng có lẽ đều hướng đến một điều gì đó tốt lành và bình an. Có những ước mơ đơn sơ giản dị, nhưng cũng có ước mơ cao sang. Có thể đó là  hai trái tim vàng trong một mái ấm gia đình,  hoặc hơn thế nữa là gia đình hạnh phúc, thành đạt, có nhà lầu xe hơi... Nhưng đặc biệt hơn, có những ước mơ “đẹp” không mấy ai ước, ít người  mơ đó là ước mơ thành một tu sĩ, linh mục để ngang qua đó họ kết hợp mật thiết với Đức Kitô và  hiến thân phục vụ tha nhân bằng đời sống thánh hiến. 


Cách đây vài hôm, có người email cho mình và nói rằng, những người muốn dâng mình cho Chúa bằng đời sống tu trì là những người có ước mơ "đẹp". Nghĩ đi nghĩ lại thì thấy đúng thật, không những đẹp mà đó còn là một ước mơ cao trọng, một ước mơ của sự cho đi tất cả để đến với Chúa và tha nhân. Những con người đó đã luôn làm mình ngưỡng mộ, kính trọng cách đặc biêt. Nghĩ về họ, nhìn lại mình phần nào đã gợi cho mình những tâm tư, suy nghĩ... xin được chia sẽ phần nào những suy tư đó: 

Con người không ai không luôn khao khát được sống hạnh phúc, với lòng khao khát đó thúc giục chúng ta đi kiếm tìm hạnh phúc. Hơn thế nữa, tự đáy lòng của con người luôn ước ao có được một cuộc sống bình an, vui tươi, không lo âu buồn phiền, không đau khổ oán than. Ai cũng muốn an bình hơn là bất hạnh, giàu sang hơn là nghèo nàn, nụ cười hơn là nước mắt… Để đạt được niềm khát vọng đó, người ta luôn tìm cho mình một lẽ sống, một lý tưởng với những ước mơ riêng trong cuộc đời. Với những mục đích đó sẽ đông lực giúp họ vượt qua mọi chông gai và can đảm chấp nhận mọi nghịch cảnh. Có một lý tưởng để theo đuổi, có một lẽ sống cho cuộc đời thì đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của con người trên trần gian. Và phải chăng những người bất hạnh chính là những người không lý tưởng, sống không mục đích, và càng không biết mình sẽ đi về đâu?



Đích thực của cuộc sống tu hành là một lối sống coi tiền tài, danh vọng và những thứ ở trần gian như một thoáng mây bay. Vẫn biết rằng, một nhu cầu cho cuộc sống luôn cần đến những cái đó. Nhưng chỉ xem đó là phương tiện, và sử dụng trong giới hạn nào thấp nhất có thể. Cùng đích của họ không nằm ở tiền bạc,danh vọng. Hạnh phúc của họ không đặt ở trần gian này. Vì tự chúng không thể lấp đầy sự trống vắng, thiếu hụt trong tâm hồn, tự chúng cũng không mang lại cho ta sự sống vĩnh cửu.

Nhiều người cho rằng, "Tu là cõi phúc, và tình là dây oan". Có  phúc hay oan là tùy vào quan niệm, suy nghĩ của mỗi người. Ở bậc sống nào cũng có những hoang mang, lo lắng và những khó khăn riêng. Đi tu thì có cái khó, cái vất vả của người đi tu, ở đời thì lại có cái khổ, cái mệt nhọc của người đời. Không ai dám dám chắc cuộc sống này hơn cuộc sống kia. Dĩ nhiên, tu là cõi phúc nếu chúng ta thực sự biết nhìn ra được hướng đi chân thật của mình và sống đích thực một người tu hành trọn vẹn trong Lời Chúa. Trái lại, tình là dây oan, khi người ta đi trái với định luật yêu thương, đi ngược lại với Lời Chúa, với đạo đức, lười biếng vun đắp và xây dựng tình yêu.

Vì thế, điều quan trọng là mỗi người biết nhận ra được thánh ý của Thiên Chúa muốn gì ở nơi chúng ta. Hơn thế nữa, chữ "TU" ở đây phải hiểu một cách tổng quát hơn. Nhiều người lầm tưởng rằng, tu đây là phải đi vào dòng, vào chùa, chon chặt mình trong bốn bức tường. Nhưng theo cách nghĩ của bản thân thì tu có nghĩa là tu sửa đức hạnh, tu chí làm ăn, tu tâm luyện tính, bớt đi tính mê nết xấu, ăn ở có đạo đức, biết yêu thương, tha thứ, siêng năng việc bổn phận… Đó là cội nguồn của mọi hạnh phúc, gốc rễ của mọi bình an trên đời. 

Cuộc sống tu trì không thiếu những chông gai khó bước. những rào cản khó qua, những cám dỗ khó lòng từ bỏ…Nhưng người đời thường nói, "Biết vậy đi tu cho đỡ khổ, như các cha các thầy đâu cần phải lo lắng gì đâu mà khổ. Vì chỉ có chúng ta lấy vợ gã chồng mới bị khổ." Có lẽ vậy, nhưng không hẳn là vậy, các cha các thầy không cần phải lo cho vợ cho con. Nhưng làm sao các Ngài có thể yêu một Thiên Chúa vô hình. Làm cách nào để đáp lại những nhu cầu của Ngài đòi hỏi. Làm sao các Ngài có thể nuôi dưỡng và hướng dẫn những linh hồn Chúa trao. Vì tư tưởng của Thiên Chúa thì không giống như tư tưởng của loài người. Điều tôi muốn làm chưa chắc gì là điều Chúa muốn. Lắm lúc cứ tưởng rằng làm như thế này thì sẽ đẹp lòng Chúa, nhưng nhiều lúc lại khắc hẳn.

"Cuộc sống tu trì là một cuộc tử đạo liên lỉ." Thật vậy, không những phải tử đạo bằng việc tuyên giữ ba lời khấn thánh: từ bỏ ý riêng, khước từ tự do định đoạt mọi sự, và hy sinh tình yêu vợ chồng. Trong đời sống thường ngày, trong từng giây phút người tu sĩ luôn phải cố gắng hy sinh, dứt dần những đam mê, tránh xa những dịp tội, bỏ đi con người cũ, sống với con người mới và kết hợp mật thiết với vị Hiền Thê của đời mình. Cuộc đời tu sĩ được ví như một chiếc thuyền chạy ngược dòng. Phải chèo luôn luôn không được dừng lại, không được thả trôi theo dòng chảy. Họ phải vượt qua trước hết với sức của chính mình, trong sự cô đơn của đời tu theo lối nghĩ của người đời, nhưng họ sẽ được ơn Thánh Chúa là động lực, là sức mạnh nếu họ luôn kết hợp với Ngài. 

Luôn luôn tin tưởng, cậy trông và phó thác, thì không có thử thách nào là không vượt qua, không có điểm cao nào mà không thể vươn tới, không có cám dỗ nào níu kéo lại được. Nếu người tu sĩ luôn tâm niệm một câu châm ngôn bất hủ của Chúa Giêsu, "Ai muốn theo ta, thì hãy vác thánh giá mà theo ta" (Lc 9,23). Dựa vào những lời tâm huyết này, đời tu sĩ không thể tránh những Thánh giá đau khổ, mà trái lại phải tập yêu Thánh giá nhiều hơn. Xem đó như là niềm vui, niềm tự hào vì chính Thánh giá đã giúp mình trưởng thành, nên người và nên giống Đức Kitô. 

Dù muốn dù không, lý tưởng của người tu sĩ chính là kề vai vác Thánh giá với Chúa lên đồi canvê, bước trọn vẹn con đường Ngài đã đi qua. Vẫn biết rằng, Thánh giá còn là trường dạy sự khôn ngoan, nhưng con người lại có những yếu đuối, nên đôi khi vẫn cảm thấy sức nặng của cây Thập giá vượt quá sức mình. Vì thế, không thiếu những chán chường trống rỗng, những lúc thất vọng ê chề, có khi muốn buông xuôi tất cả, đôi lúc như lần mò trong đêm tối mà không biết đâu là ánh sáng. Nhưng với niềm tin tưởng tuyệt đối vào Tình yêu của Chúa, Ngài sẽ giúp ta vượt qua vì “Tất cả mọi sự đều có thể” (Lc 18,27).

Tình yêu với Thiên Chúa kỳ lạ và ngược với tình yêu của con người: ở đời khi hai người yêu nhau thắm thiết, thì họ luôn cho nhau những sự ngọt ngào tha thiết, trao cho nhau những tình cảm, tâm tư, chia sẽ với nhau những lúc vui, cùng động viên nhau trong khi sầu, cùng nắm lấy tay nhau trong khó khăn và mỉm cười cùng nhau khi vui vẻ, hạnh phúc… Nhưng tình yêu với Thiên Chúa thì khác, khi Chúa yêu ai thì Ngài luôn gửi Thánh giá đến cho người đó. Thánh giá của  vất vả, nặng nề. Thánh giá của những hy sinh, từ bỏ. Thánh giá là những tâm hồn tan nát cần được chữa lành… Vậy muốn làm bạn với Chúa thì trước tiên phải kết bạn với Thánh giá. Nếu ai mà không yêu Thánh giá thì không xứng đáng làm môn đệ Chúa.

Quả vậy, chính những người đi trước đã minh chứng rằng: Thập giá chính là vinh quang, là Tình yêu, là sự sống bất diệt của những ai tin vào Đức Kitô. Hơn thế nữa, với những tu sĩ thì đó còn là một mối tình, mối tình với Thánh giá, mối tình trọn hảo mà ít người dám ước mơ, ít kẻ dám thổ lộ, không mấy ai dám tỏ tình.

Trong gian nan thử thách mà người tu sĩ không chiếm được niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa thì không thể đứng vững trước mọi nghịch cảnh. Trên hết mọi sự, ước mơ “đẹp” đó sẽ đẹp khi người tu sĩ luôn quên đi chính mình mà sống cho Chúa và tha nhân. Vì thế, đời tu sĩ trước hết phải luôn kết hợp mật thiết với Chúa, để nhờ đó họ có thể đem Chúa đến cho mọi người. 

Lạy Chúa, xin Ngài ban thêm nghị lực, sự trung thành và bình an cho những thân phận yếu đuối, mỏng dòn của những con người có ước mơ “đẹp”. Để qua đó, họ can đảm, hy sinh, vượt lên mọi hoàn cảnh để đạt được ước mơ. Từ đó rồi họ trung thành với ước mơ “đẹp” trong hạnh phúc, bình an đích thực nơi trần thế này và đạt đến sự sống viên mãn ở đời sau.


J.B Lê Đình Nam

No comments:

Post a Comment