Thập giá tình yêu

Tâm điểm của Tuần Thánh chính là Thập giá, nơi Đức Kitô bị đóng đinh, chịu treo và chết vì tội lỗi của mỗi người chúng ta.

Hình ảnh Thập giá luôn cho ta một trải nghiệm đau đớn, một cảm giác ghê rợn và một cái nhìn về sự thất bại. Nhưng không! Thập giá Đức Kitô thì hoàn toàn khác. Đó là đỉnh cao của tình yêu mà Thiên Chúa biểu lộ cho con người.

Chính nơi Thập giá ấy, Chúa Giêsu đã đưa ta trở lại ơn gọi làm con Chúa. Mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người được nối lại, tình người và tình Chúa được hòa quyện.

Tâm tư phút cuối

Trước giờ chịu khổ nạn, Chúa Giêsu đã luôn gần gũi và dành hết thời giờ với các môn đệ. Ngài muốn tâm sự những cảm xúc mà Ngài đang trải qua với họ trước thử thách lớn lao ấy. Nhưng với các môn đệ thì khác, họ vẫn chẳng hiểu Chúa Giêsu đang nói gì. Trước những buồn sầu và lo lắng của Thầy mình, họ vẫn tỏ ra hờ hững, vô tâm.

Thật đáng thương cho Chúa Giêsu trong khung cảnh ấy! Khi mà cái chết cận kề, đến cả những môn đệ thân tín nhất vẫn chẳng thể hiểu và sẻ chia nỗi niềm tâm tư với mình. Dường như đối với họ, theo thầy Giêsu là sẽ đi đến con đường vinh quang của tiền tài vật chất, của tham vọng và quyền lực. Họ vẫn không hiểu đó là con đường cứu độ bằng cái chết trên thập giá của Thầy mình. Những lợi lộc, địa vị trong mơ tưởng đã che lấp tâm trí họ, đến nỗi cả tâm trạng của Thầy mình lúc đó mà họ cũng không còn nắm bắt được.

Giọt Lệ Thống Hối

Sự trở về là tâm tình luôn được mời gọi đối với mỗi một người Kitô hữu trong Mùa Chay Thánh. Một trong những hình ảnh đặc biệt đáng để học hỏi cho sự trở về đó là Thánh Phêrô. Phêrô đã chối bỏ Thầy mình ba lần ngay trước mặt Thầy và mọi người. Tuy nhiên, cũng chính giây phút đó, ánh mắt của Thầy Giêsu và dòng nước mắt thống hối của Phêrô đã đưa cuộc đời thánh nhân đến một kết cục hoàn toàn khác.

Giọt lệ thống hối đã đưa Phêrô từ kẻ chài lưới trên biển trở nên “kẻ lưới người”, tiếp nối sứ mạng truyền giáo của Chúa Giêsu: “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mt 4, 19)

Nụ Hôn Phản Bội

Một trong những hình ảnh được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Tuần Thánh, gợi cho chúng ta không ít suy nghĩ, đó là ông Giuđa, người đã nộp Chúa bằng chính nụ hôn của mình. Là một trong những môn đệ được Chúa Giêsu chọn nhưng Giuđa lại chính là kẻ phản bội Thầy mình.

Chúa Giêsu chấp nhận cái chết để vâng theo thánh ý của Chúa Cha như tiền định từ trước. Nhưng khốn thay cho Giuđa khi ông chấp nhận trở thành kẻ bán Chúa với ba mươi đồng bạc. Bao nhiêu năm làm môn đệ của Thầy Giêsu, bao nhiêu năm đi theo Thầy khắp tứ phương thiên hạ, ấy thế mà trong những giây phút yếu lòng, Giuđa đã phản bội Thầy bằng chính một nụ hôn.

Đám Đông Hai Mặt

Cuộc Thương khó của Chúa Giêsu đã khởi đầu với một không khí rộn rã, tưng bừng bằng cuộc rước lá với những lời chúc tụng reo mừng của đám đông. Nhưng lại có một cái kết cục bi thảm cũng bởi sự nhạo báng, hô hào kết án và đóng đinh Chúa Giêsu của đám đông ấy.

Cũng đám đông ấy hôm trước vừa tung hô Chúa: “vạn tuế, vạn tuế…”, thì hôm sau lại vung tay, vung chân hô hào kết án Chúa: “đóng đinh, đóng đi nó đi…”

Đối với ta, Đức Kitô là ai?

Với trí khôn và khả năng của con người, chúng ta khó có thể nhận biết một cách trọn vẹn Đức Kitô là ai? Thật thế, sự hiểu biết mà Chúa Giêsu muốn chúng ta có về Ngài không phải là một triết lý suông hay chỉ là những lời trên môi miệng. Ngài muốn chúng ta thực hiện hóa lời tuyên xưng đó bằng những cách sống cụ thể, đó là kết hiệp mật thiết trong hành trình vác thập giá mỗi ngày và bước theo Ngài.

Cầu nguyện: chìa khóa đưa đến sự tự do đích thực

Cầu nguyện là chìa khoá của tự do. Một tâm hồn khao khát tự do đích thực là một tâm hồn biết cầu nguyện để đưa mình ta khỏi sự ràng buộc của tội lỗi. 

Chúa Giêsu như muốn minh hoạ cho chân lý ấy qua dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện: người Biệt phái thì kể công, ngẩng cao đầu nhận mình là người tốt lành, và phán xét người thu thuế là kẻ tội lỗi; trái lại người thu thuế đứng đàng xa, không dám ngước mắt lên và cúi mình đấm ngực ăn năn, nhận mình là kẻ có tội.

Lòng nhân hậu của Chúa

Cuộc sống bộn bề và quá nhiều thứ để lo nên phần nào đó làm ảnh hưởng đến tương quan của ta với Thiên Chúa trong đời sống đức tin. Hơn thế nữa, sự khó khăn và vất vả đã có những lúc khiến chúng ta có cái nhìn lệch lạc về mối tương quan đó. Như người con cả trong bài Tin Mừng hôm nay, bao lâu nay sống bên cạnh cha, người con cả vẫn xem mình như một thứ người làm công trong nhà, mà không nghĩ rằng "tất cả những gì của cha đều là của con".

Đó có thể là tâm tình của rất nhiều người trong chúng ta. Chúng ta tuân giữ và thực hành đúng đắn giới răn, nhưng có lẽ chúng ta chỉ ngước lên Chúa như một quan toà công thẳng hay như một viên cảnh sát lúc nào cũng rình rập theo dõi để trừng phạt, chèn ép và răn đe chúng ta. Từ một hình ảnh như thế về Thiên Chúa, tâm tình mà chúng ta có đối với Ngài có lẽ chỉ là sợ hãi, nô lệ. Và bởi lẽ không nhận ra Thiên Chúa như một người cha, cho nên con người cũng không nhận ra tha nhân là anh em của mình và như vậy cũng là xúc phạm đến chính Thiên Chúa .

Giây Phút Biệt Ly

Đã là con người chắc không ai không trải qua những giây phút chia ly trong cuộc đời. Đó có thể là từ biệt một người bạn, hay chia tay người mình yêu. Đó có thể là từ giả những người em, hay tiễn biệt những người thân ra đi về cõi vĩnh hằng. Tất cả đều mang lại cho ta những bồi hồi và cảm xúc thật đau xót. Nó đã trở thành một điều gì đó đặc biệt với nỗi lòng của con người. 

Cho nên, mỗi khi nghe đến từ “ly biệt”, ai trong chúng ta lại không cảm thấy chút gì đó quyến luyến, nuối tiếc. Giây phút chia ly ai đó luôn đưa đến cho ta những cảm xúc hụt hẫng, mất mát gì đó khó tả. Khoảnh khắc biệt ly còn được ở bên người mình yêu mến thì càng bùi ngùi cay đắng. Đặc biệt, những giây cuối cùng bên những cuộc chia ly chẳng hẹn ngày gặp lại thì càng thêm xao xuyến và xót xa hơn.