Cho nên, mỗi khi nghe đến từ “ly biệt”, ai trong chúng ta lại không cảm thấy chút gì đó quyến luyến, nuối tiếc. Giây phút chia ly ai đó luôn đưa đến cho ta những cảm xúc hụt hẫng, mất mát gì đó khó tả. Khoảnh khắc biệt ly còn được ở bên người mình yêu mến thì càng bùi ngùi cay đắng. Đặc biệt, những giây cuối cùng bên những cuộc chia ly chẳng hẹn ngày gặp lại thì càng thêm xao xuyến và xót xa hơn.
Hẳn là Chúa Giêsu cũng đã trải nghiệm những nỗi niềm riêng tư đó trong bữu tiệc cuối cùng với các môn đệ. Ngài biết chắc mình sẽ đi vào cõi chết, sẽ chẳng còn được ở cùng các môn đệ trên nẻo đường cuộc sống nữa. Ngài sẽ chẳng còn dạy dỗ các môn đệ, cũng chẳng còn thể sẻ chia với họ những bữa cơm, từng công việc hay hàn huyên sự đời với họ nữa. Bao nhiêu năm qua cùng gắn bó, chẳng phải lâu nhưng cũng đong đầy biết bao nhiêu kỷ niệm. Tình nghĩa thầy trò những lúc bên nhau giờ cứ trào về trong ký ức. Những nghẹn ngào trong lòng dẫu có thế nào đi nữa thì cũng chỉ còn vài giờ nữa để bên nhau. Chúa Giêsu đã dành riêng đêm cuối cùng này cho các môn đệ thân tín, để Ngài có thể trăn trối những lời cuối cùng với học trò của mình trước lúc biệt ly.
Dẫu tâm trạng của Chúa Giêsu đến nặng trĩu lòng như thế, nhưng chẳng ai trong các môn đệ cảm nhận được. Nhưng dù thế nào chăng nữa, Chúa Giêsu cũng muốn tận dụng khoảnh khắc ngắn ngủi còn lại này để nhắn nhủ học trò những lời sau hết. Ngài sẽ căn dặn các môn đệ những điều cần thiết cho tương lai, khi Ngài không còn đồng hành với họ nữa. Đây sẽ là những bài học quý báu nhất, đúc rút từ cả chặng đường đã qua, Ngài mong các ông sẽ hiểu và áp dụng cách triệt để trong công cuộc truyền giáo của mình. Tất cả mọi tâm tư tình cảm, những lời tâm sự chân thành nhất từ đáy lòng Ngài sẽ bộc bạch với các ông trong đêm cuối cùng này.
Đồng hành với các môn đệ bao nhiêu năm, Chúa Giêsu đã hiểu rõ từng người, từng tính cách và kể cả những xung đột nhỏ nơi tình huynh đệ của các ông. Ai trong các ông cũng muốn làm lớn, làm chủ. Và bài học đầu tiên mà Giêsu để lại cho các môn đệ đó là qua cử chỉ rửa chân cho các môn đệ. Ngài nói: chính Ngài là Thầy, là Chúa nhưng đã cúi xuống để rửa chân cho các con. Đó là bài học về sự yêu thương, sự phục vụ trong khiêm nhường. Tình yêu luôn phải đi đầu trong mỗi cử chỉ và hành động. Trái tim luôn là tâm điểm của sự phục vụ và hy sinh. Chỉ có tinh yêu trong khiêm nhường mới đưa con người lại gần với nhau. Chỉ có sự phục vụ trong hy sinh mới xóa ta được mọi ngăn cách trong cuộc sống.
Bài học thứ hai là Chúa Giêsu muốn hằng nói lên ước mong của mình là được mãi ở bên con người. Chúa Giêsu vẫn một lòng yêu mến các môn đệ và luôn chạnh lòng thương đến con người. Bởi thế, Ngài đã lập nên Bí Tích Thánh Thể để ở lại với con người luôn mãi. Ngài ban cho các tông đồ quyền năng thánh hóa bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Ngài. Quyền năng đó chính là Bí Tích Truyền Chức Thánh sau này. Mình và Máu Đức Kitô trở nên lương thực nuôi sống linh hồn mỗi người chúng ta. Bởi vì yêu nhân loại, muốn ở lại với con người nên Chúa Giêsu đã lập nên hai Bí Tích đó. Ngang qua đó, Ngài tiếp tục được sẻ chia cuộc sống với con người. Ngài vẫn có thể hàn huyên tâm sự cùng những ai muốn tìm đến Ngài.
Thật thế, Chúa Giêsu luôn bày tỏ nỗi lòng mong ước của mình với các môn đệ là hãy ở lại trong Ngài, như chính Ngài luôn ở lại trong Chúa Cha. Chỉ có sự kết hợp siêu nhiên đó mới giúp các môn đệ sinh hoa kết trái. Người môn đệ cần phải gắn liền với Đức Giêsu, gắn liền với Ngài một các liên lỉ và bền chặt. Có như thế, các môn đệ mới đủ sức mạnh để vượt qua những thử thách chông gai. Mối tương quan đó sẽ biến đổi họ thành những chứng nhân Tin Mừng của Đức Giêsu cho toàn thế giới.
Những trăn trối của Giêsu trong giây phút biệt ly năm ấy vẫn còn vang vọng mãi đến ngày hôm nay. Đó không chỉ là những nổi niềm từ tận sâu đáy lòng của Giêsu dành cho các môn đệ, mà còn cho mỗi một người chúng ta trên hành trình dương thế này. Một thế giới sẽ trở nên phân mảnh và hỗn loạn nếu vắng bóng tình thương và sự phục vụ. Giữa cuộc đời nổi trôi chẳng có cái gì là tuyệt đối này mời gọi ta gắn chặt với Chúa là cuội nguồn của sự Chân Lý và Bình An.
Những lời nhắn nhủ năm xưa nơi bữa tiệc cuối cùng trong căn phòng hiu quạnh ấy vẫn còn mang tính thời sự nóng bỏng nơi cuộc sống. Hơn 2000 năm qua Giáo Hội vẫn trung thành với những lời trăn trối đó và thực tế đã cho thấy giá trị vô biên của nó. Bí Tích Thánh Thể đã trở nên trung tâm của đời sống Kitô hữu; Mình và Máu Thánh Chúa đã trở nên nguồn lương thực bổ dưỡng nhất cho tâm hồn mỗi con người. Thực thi lòng bác ái và hăng say phục vụ tha nhân là những cánh tay nối dài làm cho Giáo Hội được rộng mở và lớn lên. Những gì mà Giáo Hội đã và đang hiện hữu một cách sống động là bằng chứng xác tín cho những giá trị của giây phút biệt ly năm xưa.
Mỗi chúng ta cũng đang được Giêsu trăn trối những lời cuối cùng ấy. Đó là hãy đem tình thương đốt cháy những băng giá ngăn cách của cuộc sống. Đó là hãy trở nên những đầy tớ phục vụ giữa một nhân loại chỉ biết hưởng thụ. Và trên hết là hãy kết hiệp mật thiết với Đức Kitô ngang qua Bí tích Thánh Thể, từ đó ta kín múc lấy sức mạnh Thánh Thần để trở nên những khí cụ của tình yêu và sự phục vụ nơi cuộc đời mỗi chúng ta.
J.B Lê Đình Nam
No comments:
Post a Comment