Dẫu đi đâu và làm gì đi chăng nữa thì mỗi lần nghe đến hai từ “gia đình”, ai trong chúng ta cũng có chút gì đó xao xuyến. Những lúc như thế bao nhiêu tình cảm, tâm tư và cả những kỷ niệm được gợi lại trong ký ức.
Gia đình là nơi giáo dục đầu đời không những về sự lớn lên trong đời sống hằng ngày mà còn về sự trưởng thành trong đời sống tâm linh. Gia đình giúp ta khuôn đúc và hình thành với những tính cách mà ta đang sở hữu nơi mình hôm nay. Gia đình là cái nôi tình thương ru ta vào đời. Dù cho thời gian có trôi đi, vạn vật có thay đổi nhưng kỷ niệm về gia đình là hành trang theo ta suốt cả cuộc đời mà chẳng bao giờ có thể phai nhạt.
Ơn mẹ cưu mang chính tháng mười ngày, công cha vất vả ngày đêm giáo dưỡng làm sao con cái có thể quên được điều đó. Bao nhiêu kỷ niệm của những ngày tháng lớn lên cứ ùa về mỗi lần ta nghĩ về gia đình. Tình cha trong sự cương trực và thẳng thắn là bàn tay uốn nắn đời con. Lòng mẹ dịu hiền và âu yếm sưởi ấm con giữa những cô đơn, thất vọng. Những lúc trái gió trở trời, một tiếng ho của ta cũng đủ làm mẹ không ngon giấc. Mỗi lần ngã của ta cũng làm cha thấy ruột cắt tim đau. Tình cha nghĩa mẹ kể sao cho hết!
Những lúc ta lầm lạc, cha quát mắng sửa dạy, nhưng đâu biết rằng đó là lúc lòng cha đang quặn thắt để răn con. Bao nhiêu lần ta cứng cổ, cứng đầu không vâng lời, là bấy nhiêu lần mẹ cha âm thầm chịu đựng vì thương con. Đó là những lúc họ cố đưa dòng lệ cay đắng chạy ngược vào trong. Sự âm thầm nơi những người cha, người mẹ là cả một vùng trời đầy ắp tình thương con. Tất cả những vất vả, khó nhọc họ đang gánh vác từng ngày cũng chỉ mong hạnh phúc đến với tương lai của con cái.
Những gì ta đang có là đánh đổi biết bao nhiêu giọt mồ hôi và nước mắt của cha mẹ. Những lúc ta vô tư vùi mình trong giấc ngủ thì đâu đó có còn có những ánh mắt trầm tư vì lo lắng ngày mai làm gì để kiếm miếng ăn, chiếc áo cho con. Những khi ta tung tăng vui chơi cùng đám bạn thì đâu đó nơi cánh đồng nắng cháy, những giọt mồ hôi của cha mẹ đang đổ xuống để kiếm chút tiền đóng học phí cho con. Có những lúc hạn hán đói khổ, cha mẹ đã hy sinh những chén cơm, từng miếng cá, miếng thịt để mong con được lớn lên và khỏe mạnh. Cha mẹ đã đánh đổi cả tuổi thanh xuân của mình để mang lại nét xuân xanh cho con. Cuộc đời cha mẹ là cả một đời tần tảo, lao nhọc không mong ngày đền đáp.
Thời gian qua đi là lúc ta khôn lớn trưởng thành, nhưng cũng là lúc mà tóc cha thêm bạc, làn da mẹ thêm nhăn. Ta trưởng thành trong vòng tay cha mẹ, rồi được chắp cánh bay vào đời. Tuy nhiên, dù thành công hay thất bại trong đời, có lúc nào ta nhớ về cha mẹ, nhớ về những ngày tháng mà mình lớn lên trong vòng tay âu yếm của họ hay không? Ta có nhớ về những giọt mồ hôi của cha, những dòng nước mắt của mẹ đã ngày đêm nuôi ta khôn lớn để có được như ngày hôm nay. Họ chẳng mong ta qua những đồng tiền mình có, họ chẳng mong ta nơi những món quà sang trọng. Họ chỉ mong nơi ta tấm lòng hiếu thảo, tình thương chân tình và tình cảm biết ơn.
Sự thành công của con cái luôn là niềm vinh dự của những người làm cha làm mẹ. Tuy nhiên, điều quý giá hơn và làm vui lòng nhất là tình yêu của những đứa con dành cho họ. Ngày ta trưởng thành trong đời cũng là khi tuổi cha mẹ đã xế chiều, những lúc như thế điều họ cần không phải là vật chất cao sang, nhưng là những tình cảm đơn sơ chân tình của những người con, người cháu đến với họ. Niềm vui lúc đó của họ là được sum vầy bên con cháu và tận hưởng tuổi già trong tình thương ấm áp.
Bận rộn với bao nhiêu thứ trong đời có khi nào làm ta lãng quên đi tình cha nghĩa mẹ không? Có bao giờ ta gọi điện hay về thăm cha mẹ xem họ sống thế nào chưa? Có bao giờ lòng ta thổn thức rằng ta yêu cha mẹ nhiều lắm không? Thời gian sẽ không cho phép chúng ta cân nhắc và chần chừ để làm những điều đó. Hãy làm nó ngay khi bạn có thể, hãy dành những cho cha mẹ những tình cảm yêu thương từ tận cõi lòng mình khi họ còn hiện diện ở cõi đời này. Nếu không làm ngay thì sẽ có ngày bạn muốn làm cũng chẳng còn cơ hội, vì đó là lúc họ đã mãi mãi ra đi khỏi trần gian này. Phận làm con, đừng để đến lúc phải hối hận trong nuốc tiếc!
J.B Lê Đình Nam
No comments:
Post a Comment