Giao thừa đời người

Thời gian thấm thoát thoi đưa, ngoảnh đi ngoảnh lại, thấy đời mình đã trôi qua một đoạn khá dài. Tính theo tuổi thọ của người đời bình thường, thì hôm nay mình cũng đã đi được hơn kém một phần ba cuộc đời. Nhìn lại những ngày tháng đã qua, một quảng đời làm con Chúa, một hành trình sống Đức tin, chỉ biết dâng lên Ngài hai chữ “CẢM TẠ”. Cảm tạ Chúa vì Người cho con được sinh ra trong trần thế này, cảm tạ Chúa vì cho con được làm con của Người. cảm tạ Chúa vì cho cảm nhận vũ trụ Ngài tạo dựng, cảm tạ người vì muôn hồng ân Người vẫn xuống trên con mọi lúc, mọi nơi, trên mọi nẻo đường của cuộc sống. 

Ngày hôm nay đánh dấu con hiện diện trên trần gian này, ngày con được làm người, được làm con Chúa. Con được sinh ra từ tình yêu của Thiên Chúa, trong tình yêu của Ngài con đã được hình thành từ trước muôn thưở, muôn đời. Con đã có trong suy nghĩ của Ngài, được Ngài cất nhắc vì chính Ngài đã nói với con: “trước khi cho con thành hình trong bụng mẹ, TA đã biết con; trước khi con lọt lòng mẹ, TA  đã thánh hoá con. (Gr1,5) “TA đã nâng con từ trong lòng mẹ, đã hứng các con từ lúc chưa chào đời” (Is46,3b) “Tạng phủ của con chính TA đã cấu tạo, đã dệt hình hài con trong dạ mẫu thân con”(Tv139,13).


Mới đó thôi, ngày còn bé bỏng ngây thơ mà hôm nay đã trưởng thành, nhìn lại thấy mình đã già rồi, đường đời mình đã đi được nhiều và cũng không còn xa nữa sẽ kết thúc. Quả vậy, Lời Chúa vẫn hằng nhắc nhở: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi” (Tv 90,10). Dù sống thọ hay không thì phần lớn cuộc đời  phần lớn vẫn là những gian nan, khốn khó, lắm những thử thách gian truân. Trong hoàn cảnh như vậy con đã làm gì, đã sống chứng nhân như thế nào? Để khi khuất rồi còn chút gì đó gửi lại cho đời. 

Bao nhiêu sinh nhật đến là bấy nhiêu giao thừa đời người đi qua. Thế nhưng, nhìn lại quảng đời đã sống, hành trình đức tin con vẫn chưa lớn lên được là bao…tuổi đời đã lớn mà tuổi “sống” chưa được bao nhiêu. Thể xác lớn lên mà linh hồn thì cứ teo lại. Con người già dần mà đức tin vẫn còn non nớt. Nhận lãnh dồi dào mà cho đi vẫn còn keo kiệt. Yêu thương thì ít mà hận thù, ghen ghét còn nhiều… Cuộc sống của con có phải chăng là cuộc sống của một Kitô hữu? Đời sống của con đã phải chăng là đời sống của con Chúa? 


Trần gian bao la, ngã rẻ mịt mù… Con tìm kiếm ai trong thế giới này? Con bước theo ai trên khi đường đời lắm lối? Con có đang đi tìm được Chúa và tìm mình? 


Ngồi trong thinh lặng, đặt mình trước Chúa, nghiêng lòng soi lại đời, con thấy nhiều khi con chỉ tìm kiếm chính mình hơn là tìm Chúa và con cảm thấy con đang tìm kiếm chính mình trong Chúa chứ chưa phải tìm kiếm chính Chúa trong con. 


Tìm con trong Chúa những lúc con cầu nguyện, khi con ngân nga lời kinh, lúc con tham dự các giờ Phụng vụ… Dường như là sốt sáng, thánh thiện, đạo đức? Nhưng đâu đó con chỉ nghĩ để được yên lòng, để cảm thấy bình an cho chính mình và có thể có phần trên Nước Chúa. 


Tìm con trong Chúa  những khi con hoạt động tông đồ, làm việc lành, phục vụ anh em, tham gia các hoạt động công giáo… Dường như là bác ái, yêu thương, hy sinh và phục vụ? Nhưng trong thâm tâm con lại thầm mong được đáp đền, trả ơn, được cám ơn, tri ân… Thiết nghĩ, con đã yêu bằng một tình yêu ích kỷ, cho đi bằng một tình yêu lợi lộc, sử dụng tình yêu như một thứ “công cụ” đánh đổi. 


Tìm con trong Chúa nơi những lý luận cao siêu về Chúa. Nói về Ngài với những lời lẽ đẹp đẽ, hấp dẫn. Viết về Chúa bằng những ngôn từ sắc bén, logic… Dường như con đang hiểu rõ Ngài và ca ngợi về Chúa của con cho mọi người? Nhưng con đâu suy nghĩ vậy, con chỉ mong thỏa mãn sự kiêu căng, thể hiện những tài năng Chúa ban với sư ngạo mạn, mong người đời tán dương, ca thưởng... Điều đó khiến con tự cao, tự đại về mình mà quên đi chính Chúa là Đấng Toàn Năng. 


Con mãi tìm con trong Chúa, tìm mãi chẳng thấy Chúa mà cũng chẳng gặp được chính mình. Có lẽ điều mà con quên đi lại là điều cần thiết, cốt lõi đó chính là tìm Chúa trong con. Phải chăng, tìm Chúa trong con khó khăn đến vậy? 


Tìm Chúa trong con là khi con dám từ bỏ ý riêng của mình, gạt bỏ cái tôi chật hẹp, xóa đi những toan tính của khối óc, dọn sạch những vướng bận, nhơ nhớp trong tâm hồn để cho Chúa có nơi để hiện diện, có chỗ để hoạt động và có không gian để Ngài ngự vào. 


Tìm Chúa trong con trong những lúc con tìm gặp Chúa bằng trái tim đơn sơ, khi con giới thiệu Chúa cho người khác bằng chính cuộc sống của mình. Dùng trái tim để diễn tả về Ngài, dùng ngôn ngữ tình yêu mà công bố Lời Ngài, dùng đời sống chứng nhân mà mô phỏng hình ảnh của Ngài. 


Tìm Chúa trong con khi con chọn Chúa là “phần tốt nhất” của mọi lựa chọn. Luôn cho Chúa vị trí ưu tiên nhất trong suy nghĩ, lời nói và trong mọi hành động. Thế nên dù có thành công hay thất bại, có vinh quang hay khổ nhục, có sang hay hèn thì tất cả đều là hệ quả tất yếu của tình yêu mà thôi. 


Tìm Chúa trong con khi con dám bước ra cái huyền thoại của đời mình, ra khỏi cái ảo tưởng về chính mình, chết đi con người cũ của mình, sống thực tại với con người của Thiên Chúa, sống trong cái huyền thoại vĩnh cửu chính là cuộc đời Ngài. 


Giây phút sinh nhật khuất dần, giao thừa đời người một lần nữa dần trôi qua. Nhưng con đã làm được gì sau mỗi khoảnh khắc thiêng liêng đó? Dường như cuộc đời con vẫn dậm chân tại chỗ, có khi còn lùi về phía sau, nơi hố sâu của tội lỗi, đam mê và cuốn lại bởi những gì trần thế mới mọc. 


Hứa đi, khấn lại nhưng con vẫn không thể vượt qua được con người yếu đuối của mình. Giờ đây, con cần mạnh mẽ hơn, con cần thay đổi nếp sống, lối nghĩ, hành động và mọi thứ đang níu kéo con xa Chúa. Chỉ có tìm gặp Chúa trong mọi sự và trong chính bản thân con, khi đó con mới tìm gặp được chính mình và chính cuộc đời mình. Cuộc đời nhìn vậy những mà ngắn ngủi, giao thừa này chưa qua mà giao thừ khác đã gần tới, chẳng mấy chốc mà kết thúc hành trình cuộc đời. Vậy phải sống làm sao, phải làm gì?  


Con phải yêu như Chúa đã yêu, làm như Chúa đã làm, nói như Chúa đã nói… đến khi nào mà con sống như chính Chúa sống trong con để rồi con mạnh mẽ dám thốt lên “tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2, 20).  


Như vậy, con phải trở nên con người mới, dứt khoát với con người cũ, từ bỏ những đam mê tội lỗi, tránh xa những thú vui trần thế, để bước theo lời Chúa mời gọi: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước”(Ph 3, 13). Nhưng cuộc sống vốn phù du, lắm mưu ma cám dỗ mà con người thì mỏng giòn, yếu đuối, hiểu biết thì hạn hẹp làm sao con vượt qua được. Chỉ có Chúa mới giúp được con, nơi Ngài, con kín múc sức mạnh và lãnh nhận sự khôn ngoan của để bước đi trọn vẹn hành trình của cuộc đời.  


Lạy Chúa, “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan”(Tv 90, 12). Nhờ sự khôn ngoan đó, mà mỗi ngày trong đời, con nhận ra chính Chúa nơi cuộc đời con, trong những người anh em, nơi những mảnh đời bên lề cuộc sống. Qua đó, con tìm gặp được chính Chúa nơi mọi người và trong chính bản thân con. 


Sinh nhật con đã qua, sinh nhật Chúa sắp tới. Sinh nhật Chúa muôn Triều Thần Thiên Quốc ca vang vì con Thiên Chúa làm người, cả thế giới vui mừng vì chính cuôc sống của Ngài, cả trần thế hân hoan vì những gì Ngài đã sống. Còn con thì sao? Một chút cho đời cũng không, một ít cho Chúa cũng chả có thì làm sao ai vui với con, làm sao con lớn lên được! Xin cho những giây phút linh thiêng này, con biết dâng lên Chúa lời cảm tạ vì muôn hồng ân Ngài vẫn tuôn đổ trên con. Qua đó, xin Chúa hướng dẫn và gìn giữ con trên đường đời, cho Đức tin con được lớn lên, lòng trong cậy của con được vững mạnh và tình mến nơi con được dạt dào. Để ngang qua cuộc sống này con loan báo tình thương cứu độ của Thiên Chúa tặng ban cho con người nơi Hài Nhi Giêsu.  


Hy vọng mỗi khi giao thừa cuộc đời trôi qua, con cảm thấy mình gần Chúa, gần Mẹ hơn. Để con cảm thấy tự tin. bình an, hạnh phúc mà vững bước tiếp trên con đường lữ thứ trần gian vì con luôn tin rằng: “TA thương con, thương con thật nhiều…” (Gr 31,20).



Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa đến muôn ngàn đời!




                                                                                                               J.B Lê Đình Nam

No comments:

Post a Comment