Suy Niệm Thứ Tư Tuần Thánh

Suy niệm 1: MA LỰC ĐỒNG TIỀN

“Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy” (Mt 26, 14-25)

Tiền bạc vốn dĩ là phương tiện sinh sống của con người trong việc trao đổi, mua bán,… Tuy nhiên, nếu dùng nó để đánh giá hay cân đong các giá trị con người và cuộc sống thì thật quá tai hại.

Mặt trái của đồng tiền là “bạc”, tức là bạc tình, bạc nghĩa. Vì đồng tiền mà vợ chồng, cha con, anh em trở nên bạc bẽo với nhau.

Ma lực của đồng tiền thực sự đáng sợ. Thực tại đó còn kinh khủng hơn khi Giuđa đã bán Thầy mình với bao mươi đồng bạc, ngang với giá mua một người nô lệ. Thật tệ hại! Đồng tiền đã khiến trò bán đứng Thầy. Sức mạnh của tiền bạc đã đánh gục Giuđa khi ông trơ trẽn phản bội chính Thầy của mình.

Tiền bạc đang điều khiển khá nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, từ xã hội, kinh tế, chính trị, đến ngoại giao. Đồng tiền trở nên sức mạnh thống trị cho những kẻ giàu, và nhờ nó mà người giàu trở thành những kẻ mạnh. Bởi vì, tiền bạc được dùng làm thước đo cho tất cả các giá trị trong cuộc sống.

Nguy hiểm hơn thế, tiền bạc còn len lỏi vào những ngóc ngách của đời sống cá nhân cũng như gia đình. Sức mạnh tiền bạc đã đốt cháy lương tri con người, phá vỡ hạnh phúc biết bao gia đình. Sức manh của nó còn làm bang giá sự nhạy cảm của con tim, biến con người thành vô tri vô cảm, và trở nên xa lạ với anh em mình.

Hình ảnh Giuđa hôm nay nhắc nhở chúng ta về cách sử dụng tiền bạc trong cuộc sống. Hay nói cách khác là biết phân định giữa phương tiện và mục đích trong cuộc đời.

Đừng vì đồng tiền mà đánh đổi hạnh phúc gia đình. Đừng vì tiền bạc mà bán rẻ lương tâm. Cũng đừng vì tiền bạc mà phản bội anh em, tha nhân của mình. Hãy luôn nhớ rằng tiền bạc chỉ là phương tiện và chỉ có Chúa mới là trung tâm và cùng đích của cuộc đời.

Lạy Chúa là cội nguồn của đời con, xin cho con biết dùng của cải Chúa ban ở đời này mà mưu cầu cho những giá trị hạnh phúc thiêng liêng của đời sau.
 -----------------------------------

Suy niệm 2: GIỌT LỆ THỐNG HỐI

Sự trở về là tâm tình luôn được mời gọi đối với mỗi một người Kitô hữu trong Mùa Chay Thánh. Một trong những hình ảnh đặc biệt đáng để học hỏi cho sự trở về đó là Thánh Phêrô.

Phêrô đã chối bỏ Thầy mình ba lần ngay trước mặt Thầy và mọi người. Tuy nhiên, cũng chính giây phút đó, ánh mắt của Thầy Giêsu và dòng nước mắt thống hối của Phêrô đã đưa cuộc đời thánh nhân đến một kết cục hoàn toàn khác.

Giọt lệ thống hối đã đưa Phêrô từ kẻ chài lưới trên biển trở nên “kẻ lưới người”, tiếp nối sứ mạng truyền giáo của Chúa Giêsu: “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mt 4, 19)

Giọt lệ thống hối đã đưa Phêrô từ một gã làng chài quê mùa trở nên người nắm giữ chìa khóa cửa Thiên đàng: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16, 17-19)

Giọt lệ thống hối đã đưa Phêrô từ một kẻ nhút nhát, hèn hạ chối bỏ Thầy mình trở nên nền tảng và là người đứng đầu Hội Thánh mà Chúa Giêsu thiết lập: “Phêrô, con là đá và trên đá này, Ta sẽ xây Giáo Hội của Ta...” (Mt 16, 18)

Thật thế, ánh mắt Phêrô nhìn Chúa và ánh mắt Chúa nhìn Phêrô trong giây phút chối Thầy đã trở nên niềm hy vọng cho thánh nhân. Đó là ánh mắt yêu thương nhắn nhủ sự tha thứ luôn rộng mở để đón nhận sự hoán cải. Đó là ánh mắt bao dung luôn đón nhận tất cả những lỗi lầm và tẩy xóa mọi tỗi lỗi của kẻ biết trở về.

Phêrô đã nhận ra tình yêu vô điều kiện đó của Thầy Giêsu. Phêrô đã biết ăn năn lầm lỗi của mình và hy vọng vào lòng bao dung của Thầy. Phêrô đã nhận ra thân phận yếu đuối của mình để luôn biết cậy trông vào lòng thương xót Chúa.

Sự trở về của Phêrô là một ví dụ điển hình cho chúng ta noi theo trên dòng đời lắm nổi trôi hôm nay. Giọt lệ thống hối là điều thiết yếu cho ta trên hành trình Đức tin giữa muôn trùng cách trở của cuộc sống.

Giọt lệ thống hối không chỉ giúp ta nhận ra thân phận mỏng manh của mình, nhưng hơn thế nữa, nó giúp ta ý thức được lòng thương xót của Thiên Chúa luôn rộng mở để đón những đứa con tội lỗi và bất toàn trong thân phận nặng nề của xác thịt.

Không ai trong chúng ta lại không một lần vấp ngã, không ai trong chúng ta lại không một lần chối Chúa bằng cách này hay cách khác. Tuy nhiên, với tình yêu bao la của Thiên Chúa thì tất cả sẽ chẳng là gì. Điều quan trọng là ta biết nhận ra lầm lỗi của mình. Chúa cần nơi ta những tiếng khóc của sự ăn năn, những giọt lệ của sự trở về.

Nếu ta ý thức chính mình, biết hoán cả và trở về với lòng thương xót của Thiên Chúa thì một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc đích thực không chỉ có trên Thiên đàng, nhưng nó sẽ bắt đầu ngay từ giây phút này và nơi chính trần gian này.


No comments:

Post a Comment