Đối với người Việt Nam và những nước sử dụng lịch âm, đây là
thời gian cuối của một năm. Khắp nơi nhộn nhịp nhìn lại và tổng kết hoạt động
trong một năm qua. Người người tính toán sổ sách, nhà nhà tổng kết công việc
làm ăn... một cách tấp nập và khẩn trương. Nhưng có lẽ điều mà ít người nghĩ đến
cũng là điều quan trọng căn cốt, nền tảng của đời sống Kitô hữu là nhìn lại
hành trình Đức tin của mình trong năm qua. Nhìn lại đời sống Đức tin của mình để
có những định hướng và cố gắng cho năm mới.
Cuộc sống đang ngày một nâng cao, khoa học công nghệ đang không
ngừng phát triển thì cũng là lúc những hệ hụy rất đáng lo ngại cho con người và
xã hội ngày một đáng báo động. Đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến Đức tin của người
Kitô hữu. Con nguời đang bị cuốn vào những vòng xoay của cuộc sống. Mải miết
tìm miếng cơm manh áo, lo toan cho những nhu cầu cần thiết của gia đình, chạy
theo những tham vọng, hầu mong có một cuộc sống đầy đủ, sung túc. Những nhu cầu
đòi hỏi như vậy khiến con người dần đánh mất những giá trị cần thiết, thiếu sự
quan tâm tới gia đình, người thân, bỏ quên việc giáo dục con cái… Đối với người
Kitô hữu còn tai hại hơn khi những điều đó làm ta sao nhãng về Đức tin, quên đi
mình là một Kitô hữu, một người Công giáo!
Với những người chuyên chăm làm ăn, lo nghĩ với những chiến
lược kinh doanh, say mê với những tham vọng, bận tâm với những toan tính của cuộc
sống thì bỗng thấy một năm qua đi trong chốc lát. Đời sống Đức tin cũng vậy, sẽ
bị cuốn theo những dòng đời xô đẩy, khiến dần bị mờ nhạt và lãng quên, hoặc
trôi qua như một nguyên tắc cứng nhắc trong cuộc sống và không được “chăm sóc,
nuôi dưỡng”. Theo thời gian, Đức tin dần bị mai một, đời sống đạo trở thành một
lối sống hình thức, máy móc, bề ngoài thiếu chiều sâu nội tâm và lòng mến thực
sự.
Nhân dịp cuối năm, mỗi chúng ta hay nhìn lại hành trình Đức tin của mình qua những gì mình đã nghĩ, đã nói, đã làm và đã sống trong một năm qua. Chúng ta cùng nhìn lại đời sống đức tin của mình dưới một vài khía cạnh.
Trước hết, nhìn lại Đức tin trước hết là xem lại việc gìn giữ
Đức tin của mỗi chúng ta. Đứng trước một xã hội vô thần, một đất nước với khoảng
10% là người Công giáo, chúng ta đã giữ gìn giữ Đức tin của mình như thế nào? Đời
sống vật chất hưởng thụ, trước những trào lưu thế tục, lực hút của đồng tiền,
tham vọng khiến các thánh đường ngày một vắng bong giáo dân, các lời kinh ngày
một thưa dần trong các giáo xứ, giáo họ, nơi các gia đình Công giáo. Lời Chúa
ngày một xa dần với người Kitô hữu, hơn hết là các bạn trẻ. Mà thay vào đó là
các thú vui, đam mê của trần thế đang mời mọc.
Thế giới phát triển, công nghệ kỹ thuật hiện đại đem lại cho con người nhiều tiện lợi nhưng cũng đưa đến biết bao nhiêu tệ nạn, đặc biệt đáng lo ngại cho đời sống đức tin của người Kitô hữu. Tình trạng chối bỏ Đức tin, “đạo tại tâm” hay sống đạo một cách máy móc ngày một nhiều nơi người Công giáo. Dù rằng ngày nay có nhiều những nghi lễ hoành tráng, lễ hội rầm rộ nhưng chỉ là chạy theo những xu thế bên ngoài mà thiếu đi chiều sâu và nội tâm bên trong. Nhìn lại đời sống Đức tin của bản thân, gia đình, giáo xứ… để xem Đức tin còn được gìn giữ một cách trong sáng và chân thành hay không!
Tiếp đến, nhìn lại Đức tin là duyệt xét lại việc sống và thực hành Đức tin của mỗi chúng ta. Sống Đức tin là sống với Lời Chúa, sống đúng với Tin Mừng của Ngài. Làm sao có thể sống Đức tin khi xã hội đang bị báo động bởi đầy dẫy những bất công, tham nhũng và giả dối lan tràn. Đạo đức suy thoái, nhân phẩm bị xúc phạm và bệnh vô cảm lương tâm đang phỏ biến. Có một nhà thơ đã dí dỏm nêu lên thực trạng xã hội bấy giờ qua mấy câu thơ: “Nhân phẩm ngày nay giảm giá rồi. Chỉ còn thực phẩm tăng giá thô. Lương tâm bán rẻ hơn lương thực. Chân lý chân giò một giá thôi!”
Đó là hệ lụy của những gì con người đem lại khi cố loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Một xã hội đang thiếu tự do tín ngưỡng, thiếu sự thật, không tôn trọng nhân quyền, nhưng con người với nhiều mối quan hệ làm sao chúng ta sống cho sự thật, cho công bằng? Bởi vậy, sống Đức tin ngày hôm nay chúng ta phải làm chứng cho sự thật, loại trừ những gì là gian dối, lên án bất công, đấu tranh cho nhân phẩm bị chà đạp, bênh vực những người nghèo và những người không có tiếng nói… Đồng thời mỗi chúng ta cũng được mời gọi sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, sẽ chia tình cảm với tha nhân. Sống bác ái với mọi người, đặc biệt những người nghèo, những thân phận bị gạt ra lề xã hội. Có như thế chúng ta mới thực sự làm chứng cho Tin Mừng cứu độ, sống đích thực Đức tin của người Công giáo.
Cuối cùng nhìn lại Đức tin còn là còn đòi hỏi chúng ta xem xét sự lớn lên và thông truyền của Đức tin nơi trần gian. Như lời Đức Thánh Cha mời gọi trong Tự sắc Porta Fidei (Cánh cửa Đức tin): “Ngày nay Giáo Hội phải dấn thân một cách thuyết phục hơn nữa qua công cuộc Tân Phúc âm hóa, để tái khám phá niềm vui Đức tin và tìm lại niềm hăng say thông truyền Đức tin. Việc dấn thân truyền giáo của các tín hữu, vốn không bao giờ được thiếu, sẽ nhận được sức mạnh và tinh thần hăng hái qua việc hằng ngày nhận ra tình yêu của Thiên Chúa” (số 7).
Mỗi người Kitô hữu không chỉ giữ và sống Đức tin mà còn có bổn phận loan truyền Tin Mừng đến cho mọi người, đem Đức tin tới cho những ai chưa nhận biết Chúa bằng chính đời sống của mình. Cho nên, chúng ta cần phải sống Đức tin đó một cách sống động, hiện thực để làm toát lên hình ảnh một Thiên Chúa đầy tình yêu giữa cuộc sống. Chúng ta hãy là một chứng nhân cho Tin Mừng giữa trần gian. Mọi Kitô hữu hãy trở nên men, nên muốn cho đời bằng chính cuộc sống của mình. Để từ đó, Tin Mừng tình yêu của Chúa được đến với tất cả mọi người.
Cuộc sống cần có những giây phút nhìn lại để rút ra những kinh nghiệm cũng như biết mình đang đi về đâu. Đức tin cũng vậy, cần được soi chiếu lại để cho Đức tin được mạnh mẽ và sắt son hơn. Dịp cuối năm là thời gian tốt cho mỗi người nhìn lại Đức tin của mình để biết rõ những gì cần thay đổi, những điều cần cố gắng và cần phát huy thêm. Xem lại tương quan giữa mình với Thiên Chúa, tình yêu và lòng trung thành với Ngài trong năm qua.
Đặc biệt hơn trong Năm Đức tin này, là cơ hội cho mỗi chúng ta ý thức về của Đức tin hơn, duyệt xét lại hành trình Đức tin của mình. Qua đó, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân Đức tin mà Ngài đã ban. Đồng thời cầu xin Chúa cho chúng ta biết gắn bó trung thành với Chúa, siêng năng cũng cố Đức tin của mình hằng ngày ngang qua Lời Chúa và những việc lành phúc đức. Để nhờ đó, Đức tin chúng ta ngày một lớn lên, vững mạnh và lan tỏa bằng chính đời sống chứng nhân của Tin mừng giữa trần gian này.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết cũng cố Đức tin của mình bằng việc năng kết hợp với Chúa và luôn sống theo Lời Người dạy.
J.B Lê Đình Nam
No comments:
Post a Comment