Hành trình tìm kiếm mỗi ngày là điều thêu dệt nên cuộc sống của mỗi chúng ta. Con người luôn mang trong mình một khao khát tìm kiếm giữa muôn trùng cách trở của cuộc đời. Người thì đang ngày ngày đi tìm cho mình những đồng tiền để lo cơm ăn áo mặc. Giớ trẻ đi tìm cho mình những tấm bằng kiến thức và những công việc phù hợp để bắt đầu hành trang cuộc sống. Người thì gắng tìm cho mình một địa vị trong xã hội để mong dễ dàng hơn trong việc lo cho gia đình. Kẻ thì tìm kiếm sự giàu sang để toại nguyện mơ ước và để khẳng định chính mình… Dẫu ai đi nữa, đã là người thì luôn mang trong mình một sự tìm kiếm nào đó và cái đích của sự tìm kiếm đó là hạnh phúc. Nhưng trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc ấy, ít thấy ai nhắc đến là mình đang đi tìm Chúa. Nếu vắng Chúa trong đời, liệu ta có tìm được hạnh phúc không? Hay đó chỉ là những niềm vui chóng qua nơi trần thế này mà ta cứ ngỡ đó là hạnh phúc thật?
Ngay cả những người Kitô hữu cũng vậy, chúng ta luôn miệt mài đi tìm những của cải trần gian mà quên đi sự hiện diện của Chúa trong đời mình. Ta bất chấp mọi thủ đoạn để tìm kiếm đồng tiền. Ta đánh đổi cả phẩm giá đạo đức để len lỏi lên những vị thế cao sang. Ta chấp nhận bạc bẽo với anh em để nhằm tích trữ lợi lộc riêng. Ta mệt mỏi trong công cuộc tìm kiếm như thế, nhưng đời đâu có dễ như ta tưởng! Đến lúc ngoảnh lại ta thấy mình chẳng được là bao, nhưng lại mất đi rất nhiều.
Ta mất đi những cơ hội tốt chỉ vì quá chú tâm đến tiền bạc. Ta mất đi tình làng nghĩa xóm chỉ vì những mối lợi nhỏ nhen. Ta mất đi một mái ấm hạnh phúc vì mãi kiếm miếng cơm manh áo mà quên chăm lo cho đời sống gia đình. Ta mất đi những người bạn thân chỉ vì lạm dụng nó cho những mục đích xấu. Tìm kiếm theo những đam mê của con người sẽ đưa ta đến chỗ hủy hoại bản thân và xã hội. Cuộc đời luôn có những giá trị cao xa hơn phía sau những thứ của cải vật chất chóng qua mà chúng ta nhìn thấy. Đôi khi những thử thách trong cuộc sống là dịp tốt để mỗi chúng ta nhìn lại bản thân.
Những lúc gặp gian truân trong đời ta mới nhận ra mình đang sai đường lạc lối. Ta vội quay lại tìm lối thoát. Nhưng đâu là lối thoát cho những lúc như thế? Tìm về Thiên Chúa chăng? Không! Ta lao vào chè chén say sưa cho quên đi những thất bại. Ta sa vào những trò chơi vô bổ để nhằm giết đi thời gian buồn phiền. Ta dìm mình trong những đam mê để khuây khỏa những tức tối trong lòng… Biết mình lạc lỗi, biết mình tội lỗi nhưng chẳng bao giờ ta tìm đến Chúa. Với ta, Chúa chẳng có gì quan trọng để ta phải tìm kiếm. Nơi Chúa chẳng có gì vui để ta tìm đến. Cứ thế, ta mãi thấy mình không cần đến Chúa trong đời.
Cuộc đời đưa đến cho ta bao nhiêu khó khăn, buồn khổ. Bao nhiêu áp lực và lo lắng cứ ập xuống trên trên ta. Những lúc như thế ngồi lại, ta có thấy hình bóng Chúa trong đời của mình không? Những khao khát trần tục đã làm lu mờ con mắt đức tin của mỗi chúng ta. Nó đã khiến ta không còn thấy Chúa nơi những điều tốt đẹp, nơi những con người tốt lành hay chính nơi bản thân mình nữa. Vắng Chúa là vắng cả đạo đức, vắng cả sự thật và tình thương. Nếu cuộc sống thiếu vắng những cái cơ bản đó thì có còn là cuộc sống nữa chăng?
Chúa vẫn luôn hiện hữu bên ta. Chúa vẫn ở đó nơi những ngôi Thánh đường, nơi những Thánh lễ, nơi những giờ kinh. Chúa luôn hiện diện nơi mái ấm hạnh phúc, nơi có người vợ biết lo lắng chồng con, nơi có những đứa con ngoan hiền đạo đức. Chúa hằng bên ta nơi những người anh em thân thuộc, nơi những người bạn chân thành và nơi cả những mảnh đời đói khổ, rách nát bên lề cuộc sống. Chúa luôn ở đó nơi tận tâm sâu cõi lòng ta, đang đợi ta từng phút từng giây nhưng chẳng bao giờ ta muốn chạm đến.
Hãy tìm Chúa tại nơi mà ta đã đánh mất. Hãy kiếm tìm Ngài chính nơi mà ta đã lãng quên. Những lúc yếu đuối của phận người, ta có thể quên đi Ngài, nhưng hãy mau trở về và tìm đến Ngài, vì Ngài vẫn hằng đợi ta. Có Chúa trong đời thì cuộc sống của ta mới thực sự an vui được. Giữa dòng xoáy của thế gian, phận người như cánh bèo trôi, chỉ có Chúa là chỗ dựa vững chắc, là bến đỗ bình an cho hành trình cuộc đời. Hãy biết tìm Chúa khi mình lạc mất Ngài, chứ đừng để Ngài đợi mãi, đợi hoài mà không thấy ta tìm đến.
J.B Lê Đình Nam
No comments:
Post a Comment